People commonly travel around the world to see rivers and mountains, new stars, birds of rare plumage, queerly deformed fishes, ridiculous breeds of men - they abandon themselves to the bestial stupor which gapes at existence, and they think they have seen something. This does not interest me. But if I knew where there was such a knight of faith, I would make a pilgrimage to him on foot, for this prodigy interests me absolutely. - Soren Kierkegaard
Năm ngoái tôi đi thăm núi Nhìu Cồ San. Thật kỳ lạ là lúc vừa về tôi không nghĩ ngay đến việc viết lại trải nghiệm này mà phải hơn nửa năm sau tôi mới ngồi đây cố nhớ lại lúc đó. Vậy tôi viết ở đây để làm gì?
Có một điều tôi chắc chắn là tôi không viết để hướng dẫn du lịch, tôi ghi muốn lại những suy nghĩ của tôi trên toàn bộ hành trình.
Tôi vẫn còn nhớ lúc mới đến Sapa, trời hơi mưa phùn và lạnh, tôi phải mặc áo khoác một chút mặc dù lúc đó là tháng 9 và ở Hà Nội vẫn cực kỳ nóng. Cả đoạn trên xe để xuống chân núi là một quãng đường gập ghềnh, giấc ngủ của tôi cũng gập ghềnh như thế. Thế nhưng để đến được điểm leo, tôi phải thuê xe ôm đi vào trong bản. Bắt đầu từ đây, tôi bắt đầu sợ.
Lái xe của tôi là một thanh niên trai bản đâu đấy khoảng 13 - 14 tuổi đi một chiếc xe Wave đầy bùn đất. Hôm đó là một ngày sau cơn mưa nên điều này không lạ. Cho đến lúc về tôi mới biết được rằng đi xe Wave không phải lựa chọn hay nhất, lẽ ra tôi nên chọn một xe ôm đi Minsk lý do là bởi xe Minsk có rãnh lốp sâu nên bám đường tốt hơn, ngay cả khi đi trên bùn nó cũng không trượt bánh nhiều như xe Wave. Nỗi sợ của tôi hiện rõ khi vực nằm rất gần đường xe chạy và thanh niên lái xe chạy khá nhanh. Bùn bám vào bánh xe ngày càng nhiều nên xe trơn trượt bánh thường xuyên. Suốt quãng đường tôi phải gồng mình để bám không bị nảy ra ngoài. Thế mới biết thanh niên lái xe tay khoẻ đến mức nào.
Hành trình đi bộ bắt đầu sau chuyến xe ôm. Chúng tôi đi khá thong thả trên các đoạn bùn đất, qua một bản của người địa phương và cảnh vật đẹp như một bộ phim. Càng đi dần đến trưa thì làng bản thưa dần rồi biến mất và suối xuất hiện. Rồi sau đó đến rừng. Lúc đầu rừng chỉ thưa thớt và đường đi còn rất rõ, nhưng sau khi nghỉ trưa thì đường gần như không còn nữa. Phải nhìn rất kỹ mới thấy đường. Cũng ở đoạn này mà tôi bắt đầu đi bằng chân và tay.
Tôi cảm thấy hơi bất ngờ trong vòng 15 phút nhưng sau đó nhanh chóng quen với tình hình vì những dấu vết của con đường mòn vẫn còn lờ mờ hiện ra. Thực ra cả chuyến đi sẽ không có gì đặc biệt nếu như không có chuyện sạt lở đất trên một vách núi. Bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn tưởng tượng ra mảng núi đó - lơ thơ cây cỏ và một ít giây leo, những hòn đá lộ ra trên một nền đất và cát mịn. Từ dưới chân cho tới đỉnh là khoảng 15m, chỉ bằng một toà nhà 4 tầng nhưng tôi không thấy một mỏm đá nào vững chắc ở đó. Thứ trông có vẻ đáng tin cậy nhất là những nhánh giây leo kéo dài từ đỉnh tới tận chân núi và đúng thật là với 4 người đầu tiên trong đoàn, những giây leo này làm đúng nhiệm vụ của nó. Thế nhưng với hai người cuối cùng mà trong đó có tôi thì các giây leo này bắt đầu đứt khi tôi đang leo nửa đường. Tôi không còn một nơi nào để bám víu cả. Đất tôi đang đứng - một mép đất trên mảng dốc thẳng đứng không hề vững mà đang lún dần xuống. Khi tôi cố nhấc 1 chân lên thì chân kia sẽ lún sâu xuống và thâm chí chân đang nhấc cũng không tìm được một chỗ đặt chắc chắn. Lúc đó tôi có sợ hãi và hoảng loạn; tôi nhớ mình đã gắt vào mặt trưởng đoàn khi anh ấy bảo tôi phải đứng thẳng lên. Mọi cử động đều làm tôi lún sâu hơn mà khi lún quá sâu thì đất sẽ lở ra và tôi sẽ rơi xuống vực. Rất may là trong đoàn có 2 porters người dân tộc đã đi xuống và kéo được tôi lên.
Ngày hôm đó tôi có 3 bài học:
Rất may rằng câu chuyện tôi mắc kẹt ở vách núi sau đó trở thành một câu chuyện hài với cả đoàn và tôi có thể tự cười chính mình mặc dù tôi biết rằng, nếu chuyện đó xảy ra thêm một lần nữa, tôi rất có thể sẽ lại hành xử hệt như vậy.
Có một vài điều tôi quan sát được. Thứ nhất là những người dân tộc ở đây khoẻ mạnh một cách kỳ lạ. Họ sẽ leo quả núi này 2-3 lần một ngày nếu cần thiết và họ vừa đi vừa huýt sáo hay nhảy nhót giữa các mỏm đá. Nó khiến tôi cảm thấy việc leo núi của những người này cũng giống như tôi ra tiệm tạp hoá vậy, bất cứ lúc nào tôi muốn và khá đơn giản. Thứ hai là điều kiện sống của họ thực sự thiếu thốn. Hầu hết nhà ở của người dân tộc hoặc là nhà sàn hoặc là một loại lán ghép lại bằng những tấm gỗ. Họ cuốn những tấm bạt xung quanh lán để gió lạnh không thổi vào trong. Tôi hy vọng dưới chân núi người dân có điện vì trạm nghỉ của bọn tôi không có điện, và bọn tôi đã ăn tối trong ánh nến. Nguồn nước uống ở đây hầu hết là nước mưa dự trữ, có lẽ nếu họ không trữ nước mưa thì sẽ phải mua nước mang lên từ dưới chân núi. Không có nhiều thứ để làm trên núi, vậy nên tôi có thời gian để đọc sách. Điều thứ ba là vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Ở đó núi rừng, sông, suối, thác hay vực tất cả đều quá đẹp đến mức tôi phải bật khóc (mà tôi thì không hay khóc).
Lý do tôi trích Kierkegaard ở đầu vì tôi muốn tìm được “knight of faith” trên quả núi đó hoặc có lẽ từ quả núi đó tôi sẽ hiểu được “knight of faith” vì cũng như Kierkegaard, tôi không thực sự muốn nhìn ngắm quả núi hay cuộc sống của những người bản địa ở đó. Điều thực lòng tôi muốn đạt được là không cần phải bồn chồn, lo lắng hay sợ hãi mỗi khi cần phải đưa ra quyết định trong cuộc sống mình. Tôi muốn biết là phải tin vào điều gì để có thể hành động tự do và độc lập khỏi những trói buộc mà nhiều khi là ngớ ngẩn của xã hội hay những người xung quanh. Và đây là lần đầu tiên tôi có thể xác nhận lời của Jung nói: “Thiên đàng và địa ngục tồn tại trong cuộc sống hàng ngày nhưng người hiện đại quá mù loà để nhận ra nó”. Điều quan trọng của cuộc sống không phải là một căn biệt phủ hay một chiếc mui trần, cũng không phải hàng hiệu hay body 6 múi. Điều quan trọng là có thể gánh vác gánh nặng sinh tồn mà không trở nên sợ hãi, hối hận hay cay nghiệt.