Mục đích của cá nhân tôi khi ngồi thiền có thể tóm tắt bằng mấy gạch đầu dòng sau
Lúc nhỏ tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, không có gì thú vị hơn việc được chạy chơi ở ngoài trời. Mẹ tôi từng kể có những ngày trưa nóng, tôi vẫn ra ngoài mảnh vườn nhỏ của ông nội để nghịch nước với lũ cá cảnh. Năm lớp 1 là khoảng thời gian chuyển giao khó khăn nhất khi tôi phải làm quen với việc ngồi một chỗ để học chữ và học tính. Tôi vẫn nhớ cảm giác ngứa ngáy trong đầu móng tay khi phải ngồi tập viết chính tả. Bố tôi xử lý việc này bằng đòn roi mỗi khi tôi đạt điểm kém hay bị thầy cô phê bình. Một điều vô lý khác là quy tắc 9h - tôi không được rời bàn học trước 9h tối. Những ngày tháng đó không phải là những kỷ niệm đẹp nhất nhưng là những bài học quan trọng.
Tuy nhiên bài học quan trọng nhất về tập trung thì tôi vẫn chưa học được. Một câu chuyện thú vị, một ý tưởng hay hoặc một hình ảnh đẹp có thể khiến tâm trí của tôi mộng mơ. Những ngày lớp 9 khi lần đầu tiên có máy vi tính, tôi cảm thấy cả thế giới thú vị mở ra mang tôi thoát khỏi thực tế ảm đạm. Tôi từng ngồi nhiều giờ trước máy tính, đọc truyện, xem phim, nghe nhạc,… Ngay cả với Internet đầu những năm 2000, một chân trời giải trí vô tận cuốn tôi đi mỗi lần tôi cần học bài. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể dành 100% đầu óc cho công việc khi có những bản nhạc có tiếng ca sĩ hát. Tôi đoán rằng mình bị tăng động vì một vài năm trước khi tôi khám phá ra chạy bộ và tập chạy thường xuyên, khả năng tập trung của tôi được cải thiện.
Thiền cũng là một phương pháp để luyện tập sự tập trung. Khi giáo sư Hubberman nói đến một nghiên cứu trong podcast số 96 về thiền, người ngồi thiền không hẳn là có thể giữ sự tập trung cố định lâu mà là người có khả năng quay trở lại chủ đề của họ nhanh chóng hơn người thường. Điều này cũng tương đồng với lối thiền Minh Sát (Vipassana) mà tôi được làm quen từ GS John Vervaeke. Hiện tại khi học thiền cùng huynh đệ Trúc Lâm, vẫn có một sự khác biệt nhỏ giữa tôi và mọi người. Đó là khi Sổ tức (theo dõi số đếm) và Tuỳ tức (theo dõi hơi thở), nếu vọng tâm nổi lên, tôi vẫn sẽ áp dụng kỹ thuật gọi tâm quay trở lại như trong clip hướng dẫn của GS.
Hạnh phúc theo ý tôi là tiền đề của khổ đau. Như lúc nhỏ niềm hạnh phúc khi nếm vị ngọt của kẹo cũng đi kèm sau đó là sự đau khổ (với tâm lý trẻ con thì đau khổ thật, thậm chí sẽ khóc) khi bị bố mẹ từ chối kẹo, hay bị nhử kẹo từ anh em bạn bè hay bị ăn đòn vì kẹo. Hạnh phúc lúc nào là nguồn căn của khổ đau
Khi lớn hơn, tôi hiểu hơn về điều này có lẽ rõ ràng nhất là khi đọc cuốn “Thinking fast and slow” của Daniel Kahneman, cụ thể là Chương 5: “The two selves”. Con người có một loại thiên kiến gọi là “thiên kiến quen thuộc” được sinh ra để phục vụ khả năng thích nghi. Nếu như một bệnh nhân ung thư chỉ đau khổ trong một vài tuần đầu tiên khi nhận được tin mắc bệnh thì chiều ngược lại cũng đúng. Những hạnh phúc và sung sướng cũng sẽ chỉ thoả mãn con người trong một thời gian ngắn. Khả năng thích nghi của cơ thể người chính là con dao hai lưỡi, giúp con người thoát khỏi vực thẳm tuyệt vọng và cũng cướp đi niềm hạnh phúc vĩnh hằng. Những ai rơi vào cạm bẫy hạnh phúc sẽ chịu đau khổ to lớn khi những niềm hạnh phúc mà họ cho là nghiễm nhiên được hưởng thụ (gia đình hạnh phúc, tình yêu đẹp, sự nghiệp vững vàng, sức khoẻ dồi dào…) đột ngột biến mất. Khi mất đi nguồn hạnh phúc trong quá khứ, tôi đã từng tự hỏi mình rằng tại sao tôi lúc này lại đau khổ hơn tôi khi chưa từng có được nguồn hạnh phúc đó. Nhiều năm sau tôi đã tìm ra cho mình câu trả lời bên trên. Sau đó tôi tìm cho mình con đường thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hạnh phúc và khổ đau. Thiền là bước đầu tiên trên con đường đó.
Sự sáng trí là một niềm mong mỏi của một kẻ chỉ có thể thông minh trên trung bình. Hơn nữa theo tuổi tác, sự nhạy bén về trí tuệ sẽ càng ngày càng giảm. Nhưng đôi khi trong cuộc sống, có những lúc tôi nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Theo thời gian tôi học được một số kỹ thuật như “thinking out loud” hay sử dụng ngoại ngữ khi suy nghĩ. Tôi cũng có một chút ít tự tin khi giải đáp những câu đố mẹo. Sự sáng trí và cách thức để sự kiện này xuất hiện thường xuyên là thứ mà tôi học được từ GS Vervaeke. Một ví dụ mà ông hay sử dụng là câu đố nổi tiếng về “4 đường, 9 điểm”.
Không đặt bút lên, bạn hãy vẽ 4 đường đi qua 9 điểm trong hình vẽ dưới đây:
Vẽ qua 9 điểm chỉ dùng 4 đường thẳng |
Đôi khi câu trả lời cho những câu hỏi khó là chậm lại và để cho bản thân có thời gian suy nghĩ. Những lúc khác là đứng dậy đi dạo để bản thân thoát khỏi khuân mẫu suy nghĩ cũ (old frame). Rất nhiều lúc là tránh sự thiếu tập trung và mệt mỏi, khi khác là ngăn cảm xúc lấn áp (ít thôi). Tất cả những điều này chỉ là vài chữ ở đây, nhưng thực ra là những điều rất lớn trong trải nghiệm sống của tôi. Thiền theo như GS Vervaeke là một chiến thuật đi sâu vào tâm trí, đi lùi lại khỏi khuân mẫu mà mình sử dụng để nhìn nhận sự việc hoặc hiện tượng. Nếu như câu trả lời ta đã có không thể giải quyết được vấn đề, điều đó có nghĩa là thứ ta nghĩ đã bị thiếu sót. Rất có thể, ta cần để tâm đến những yếu tố khác trong thực tế mà trước đó ta không để ý. Cũng có thể một kiến thức không tên nào đó mà ta chưa biết đến lại chính là chìa khoá để giải quyết vấn đề. Tự nhận ra được câu trả lời đúng là điều tuyệt vời, nhưng nếu chỉ biết rằng mình đang mắc kẹt và cần đổi cách tiếp cận cũng là rất đủ cho rất nhiều trường hợp. Như khi ta tìm một món đồ thất lạc trong nhà, sau khi kiểm tra hết những chỗ nghĩ đến mà vẫn không thấy, vậy thì rất có thể món đồ đó đang nằm ở một vị trí mà ta chưa nghĩ đến, hoặc có thể là do góc nhìn của ta, hoặc một món đồ khác đang che lấp. Điều đúng đắn là thoát ra khỏi khuân mẫu của “những nơi có thể có món đồ” để nhìn cách khác hoặc tìm nơi khác.
Câu đố về 4 đường qua 9 điểm là một câu đố hay vì lời giải cũng hết sức thú vị. Tôi từng thất bại khi giải câu đố này. Theo như GS Vervaeke giải thích thì một nguyên nhân khiến cho lời giải bất ngờ đến vậy vì con người thường đặt mình trong một khung suy nghĩ sẵn có mà họ tiếp nhận. Cái khung suy nghĩ này thực ra là khá tốt vì nó giúp ta lọc đi những giải pháp không liên quan, tuy nhiên nó cũng khiến cho chúng ta mắc kẹt khi những ý kiến có sẵn nhưng không giải quyết được vấn đề. Một thí nghiệm nổi tiếng tương tự là The monkey business illusion mà tôi biết đến nhờ GS Peterson và các bài giảng của ông. Như tôi nghĩ thì nếu bạn thất bại khi làm theo yêu cầu của thí nghiệm thì bạn sẽ trả lời các câu hỏi ở cuối thí nghiệm tốt hơn. Điều này có liên hệ gì với tôi? Ngay trong công việc hàng ngày là viết các dòng code để xây lên các trang web, không dưới 1 lần tôi bị mắc kẹt. Nó không phải vì tôi không có giải pháp mà vì giải pháp của tôi hoặc là sai, hoặc là không phù hợp hoặc đòi hỏi sự đánh đổi lớn. Tôi mắc kẹt trong giải pháp mà mình tìm ra. Nhưng nếu tôi có thể bỏ việc ở đó và đi dạo một chút hoặc tôi có được người đồng nghiệp tốt, có thể lắng nghe phân tích mà không vội kết luận hay chỉ trích thì khả năng tìm ra một phương án tối ưu là tốt hơn. Đây là điều tốt nhưng không phải lúc nào tôi cũng tìm được một người đồng nghiệp hay thời gian để đi dạo. Cái mà tôi muốn đạt được cho mình là khả năng tách ra khỏi khung suy nghĩ của chính mình để nhìn vào vấn đề với một con mắt khác, một đường hướng khác. Đây không đơn thuần là mong muốn cho bản thân tôi trong công việc, đây còn là mong ước mà tôi muốn thực hiện trong cuộc sống hàng ngày vì không ít lần tôi bị mắc kẹt trong vấn đề hay chính giải pháp của chính mình.
Lúc nhỏ tôi có những cơn hoảng loạn thần kinh. Lý do thì rất nhiều một phần tôi bị chứng Rối loạn Tiền đình, một phần vì những biến cố không êm đẹp trong gia đình, một phần khác có lẽ là bẩm sinh. Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu sợ ma, sợ kẻ trộm, sợ côn trùng, sợ chết, sợ bị chê bai, sợ bị ăn đòn, sợ bị mất đồ, sợ bị điểm kém, sợ bị sì ke vì dính kim tiêm (quanh nhà tôi hồi đó nhiều nghiện hút ma tuý), sợ không lên được lớp… Với thời gian nhiều nỗi sợ lúc thơ bé biến mất, thay vào đó là những nỗi sợ mới. Tôi sợ không có tiền, sợ không có việc làm, sợ không có người yêu, sợ không có nhà, sợ không có xe, sợ không có bạn bè, sợ không có ai thương, sợ không ai tin tưởng, sợ bị cô lập, sợ không có ai để chia sẻ, sợ bị vu oan, sợ bị lợi dụng… Những nỗi sợ này tạo ra lo lắng và bi quan thường trực. Tôi là một người bi quan.
Tôi từng được nhận đinh là sợ linh tinh, nhát chết, hèn, kém cỏi… Cá nhân tôi biết với một cơ thể bệnh yếu, một tinh thần bất ổn thì những suy nghĩ này chắc chắn sẽ xảy ra và những người lạ (hay người thân) sẽ chỉ có thể phê bình và phán xét tôi khi tôi chia sẻ những thứ quan trọng và sâu kín với họ.
Cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã vượt qua nhiều nỗi sợ. Những nỗi sợ có giải pháp như sợ không có tiền có thể được đối phó bằng cách tìm cho mình công ăn việc làm nhưng những nỗi sợ như sợ chết, sợ bệnh tật, sợ sự vô dụng của cơ thể khi tuổi già, sợ những tại nạn bất chợt làm cơ thể đau đớn là những thứ không có giải pháp triệt để. Những nỗi sợ hiện sinh này biến thành sự lo lắng ẩn tàng là những thứ mà Paul Tillich gọi là “the anxiety of fate and death”. Tôi chỉ có thể học cách sống với nó. Như tôi quan sát thì những thiền sư không có trong mình nỗi sợ này. Đây là niềm mong muốn khác của tôi.
Thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu, khi ông đã có thể vượt qua đau đớn thể xác ở mức này, có lẽ trong ông không còn nhiều lo lắng hay sợ hãi |
Một cuộc sống đau khổ không đáng sợ bằng một cuộc sống vô nghĩa. Có gì tệ ở một cuộc sống vô nghĩa?
Một người sống vô nghĩa sẽ bị phụ thuộc vào cảm giác hạnh phúc. Người đó săn đuổi hạnh phúc. Như đã nói ở trên cảm giác hạnh phúc không tồn tại lâu vì đó là bản chất con người. Do vậy mà người ta lại phải đi tìm hạnh phúc mới, khác biệt với nguồn hạnh phúc cũ hoặc to lớn hơn hạnh phúc cũ. Một cuộc rượt đuổi không có đích đến. Cái cuộc rượt đuổi hạnh phúc không ngừng nghỉ đó, phương Tây gọi là “chủ nghĩa khoái lạc”. Khi nguồn khoái lạc chủ yếu đến từ tiêu dùng, con người phụ thuộc vào tiêu dùng để hạnh phúc; chủ nghĩa tiêu dùng là một phần của chủ nghĩa khoái lạc.
Cá nhân tôi không ghét 2 chủ nghĩa này. Là một con người, tôi đón nhận hạnh phúc khi tôi có cơ hội để hạnh phúc, nhưng tôi không theo đuổi hạnh phúc. Điều tương tự cũng đúng với tiêu dùng. Tiêu dùng là thứ cần thiết để duy trì cơ thể và các mối liên kết xã hội. Tôi cũng không phủ nhận những lúc tôi mua những món đồ chỉ đơn giản vì ưa thích tuy nhiên điều này được giữ ở mức tối thiểu. Mọi thứ khi được tiêu dùng với tôi mang ý nghĩa công cụ phục vụ mục đích sinh tồn của tôi. Điều này không có nghĩa là tôi coi nhẹ sinh tồn, thực ra trái lại, tôi nghĩ rằng sinh tồn là điều tối quan trọng với một cá nhân. Những món đồ hay dịch vụ vượt ra ngoài mục đích sinh tồn đều nên được coi là xa xỉ. “Ý nghĩa” mới là thứ đem lại sự đặc biệt cho sự tồn tại, đem lại động lực cho tôi tiến bước mặc cho những mệt mỏi, đau đớn hay khó khăn.
Tôi không muốn trích dẫn các triết gia hay các nhà tư tưởng lớn để nói về ý nghĩa cuộc sống. Đây là câu chuyện của cá nhân tôi nên nó phải xuất phát từ tôi. Như đã nói ở trên, cuộc sống của tôi gắn liền với sợ hãi và lo lắng, nhưng khi tôi hành động theo mục tiêu nào đó, sự sợ hãi và lo lắng biến mất. Mục tiêu thường mang trong nó một ý nghĩa phản ánh giá trị của những hành động nhắm đến các mục tiêu này. Mục tiêu chạy 42km marathon tự bản thân nó không có giá trị nhiều nhưng vì nó mà tôi chấp nhận đau mỏi trên đường chạy. Cuộc sống có thể kéo dài rất lâu khi thiếu hạnh phúc, nhưng không thể tiếp tục khi trở nên vô nghĩa. Một người sống vô nghĩa không thể sống mà chỉ có thể tồn tại như một sinh vật sống.